Ở Việt Nam điều kiện chăn nuôi bò khá dễ tuy nhiên vài những năm trở lại đây, tỷ lệ bò mắc bệnh rất nhiều. Những người chưa nuôi kiểu truyền thống chưa có kiến thức về chăn nuôi cũng như bệnh tật cho bò, không đưa ra hướng xử lý kịp để dẫn đến bò kém sức khỏe và chết. Do vậy bài viết dưới đây, được tổng hợp loại bệnh thường gặp ở bò , hy vọng sẽ giúp đỡ cho bà con rất nhiều trong việc chăn nuôi bò của mình.

Top loại bệnh thường gặp ở bò

1. Viêm âm đạo

Sau khi đẻ bò thường bị viêm âm đạo do  bị nhiễm trùng gây ra. Nặng là viêm tử cung và cổ tử cung như một chứng nhiễm trùng thứ phát. Viêm âm đạo cũng có thể xuất hiện vào thời kỳ hồi phục sau đẻ, do nhiễm trùng khi phối giống tự nhiên

  • Viêm âm đạo đặc trưng:

Viêm âm đạo đặc trưng là những trường hợp bệnh truyền nhiễm đặc trưng và chúng thường đi cùng với viêm nội mạc tử cung, chủ yếu do Campylobacter fetus, Trichomonas…

  • Viêm âm đạo không đặc trưng :

Là những chứng nhiễm trùng do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E. coli, Actinomyces pyogenes gây ra. Những vi khuẩn này có nguồn gốc từ dương vật gia súc đực và có thể nhiễm cả bò cái tơ và bò cái trưởng thành, đã đẻ nhiều lứa. Cùng một lúc có thể nhiều bò cái bị nhiễm bệnh này nếu như chúng được phối bằng cùng một con đực

Để phòng bệnh này, vấn đề vệ sinh rất quan trọng. Nếu cần thiết, có thể điều trị cục bộ cho đực giống (dương vật và bìu dương vật) bằng thuốc mỡ kháng sinh.

 

2.  Bệnh viêm tử cung

Bệnh viêm nhiễm tử cung thường diễn ra rất nhiều, tuy nhiên bà con khá mà nhận biết được bò mình bị mắc chứng bệnh này. Bệnh xảy ra khi có một số lượng lớn vi khuẩn hoặc các vi khuẩn đặc trưng, có độc tính cao tấn công. Nhìn chung, tác nhân chủ yếu của bệnh là các liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E.coli hoặc Actinomyces pyogenes.

  • Nguyên nhân :

– Thụ tinh nhân tạo không đúng cách sẽ làm tổn thương vùng tử cung của bò và sẽ dễ dàng bị vi khuẩn tấn công. Các vi khuẩn có trong tinh dịch hoặc cùng với tinh quản, được đưa vào tử cung, gây ra nhiễm trùng thứ cấp. Tuỳ theo sức công phá của vi khuẩn mà nhiễm trùng phát ra nhanh hay chậm, nhưng thông thường thì trong khoảng 48 giờ.

– Viêm nội mạc tử cung nhưng bò cái vẫn có chu kỳ động dục bình thường và hình thành thể vàng. Đây chính là trường hợp viêm nội mạc tử cung tích mủ với thể vàng tồn lưu và bò cái không động dục nữa.

– Đẻ khó làm cho hệ cơ của tử cung không co bóp. Việc đẻ khó sẽ diễn ra lâu hơn bình thường và cơ hội để cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tử cung và nhân lên nhanh chóng. Các độc tố do chúng thải ra gây nên hiện tượng nhiễm độc máu cho gia súc .

  • Triệu chứng:

Triệu chứng bệnh thay đổi tùy theo từng trường hợp và mức độ trầm trọng của chứng viêm. Thông thường có thể thấy gia súc bị sốt, kém ăn, trông có vẻ buồn ngủ, mạch đập và tần số hô hấp tăng lên, gia súc gầy đi nhanh chóng. Có dịch mầu nâu đậm, mùi khó chịu, lẫn mủ và lẫn các mẩu mô tế bào chảy ra từ âm đạo. Khi sờ nắn qua trực tràng thấy tử cung phồng lên.

Trong trường hợp viêm tử cung do thụ tinh nhân tạo có thể thấy các triệu chứng của viêm phúc mạc. Khi đó nếu sờ qua trực tràng cảm giác thấy bề mặt tử cung sần sùi.

  • Chẩn đoán 

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các dấu hiệu nêu trên, kết hợp với sờ nắn qua trực tràng. Cũng có thể soi âm đạo như một phương pháp hỗ trợ cho chẩn đoán và khi đó thấy niêm mạc âm đạo hồng nhạt, dịch mủ chảy ra từ lỗ cổ tử cung. Soi âm đạo còn cho phép phân biệt giữa viêm nội mạc tử cung với nhiễm trùng cổ tử cung, viêm âm đạo, áp-xe quanh âm đạo hoặc với viêm đường âm đạo-tiết niệu…

Trường hợp viêm tử cung tích mủ và có thể vàng tồn lưu, khi sờ qua trực tràng thấy có thể vàng trên một trong hai buồng trứng và có sự mất cân đối giữa các sừng tử cung. Cần lưu ý tránh nhầm lẫn bệnh này với trường hợp mang thai. Trong trường hợp bệnh, không thấy hiện tượng trượt của các màng nhau, sự hiện diện của màng dương và không có các núm nhau. Nếu có thể làm cho dịch chứa bên trong di chuyển từ sừng tử cung này sang sừng tử cung khác thì có thể khẳng định chắc chắn là trường hợp viêm tử cung tích mủ.

  • Điều trị:[content_block id=1822 slug=codega]

Đối với chứng viêm tử cung, tiến hành điều trị theo ba bước như sau:

– Trước hết, dùng một trong các chất kháng khuẩn sau đây thụt rửa tử cung nhiều lần:

+ Nước muối, dung dịch 1-2%, khoảng 300-500ml

+ Rivanol, dung dịch 1-2%, khoảng 300-500 ml

+ Dung dịch Lugol: 100ml, (dung dịch Lugol là hỗn hợp I2, KI và nước cất theo tỷ lệ 1:2:300)

– Sau đó đưa thẳng vào tử cung các loại kháng sinh phổ rộng. (nếu khó đưa qua cổ tử cung, có thể dùng một pipet thụ tinh nhân tạo và bơm kháng sinh dưới dạng dung dịch vào bên trong):

+ Kanamycine: 3g pha với 30ml nước

+ Oxytetracycline: 2,5g, pha với 30ml nước

+ Ampicycline: 2-3g pha với 30ml nước

– Kết hợp với điều trị toàn thân bằng tiêm bắp trong vòng ít nhất 5 ngày với một trong các loại kháng sinh :

+ Ampi-septol: 1ml cho 10-12 kg thể trọng

+ Gentamycine: 1ml cho 10 kg thể trọng

+ Penicilline: liều 750mg hoà tan trong 100 ml dung dịch nước sinh lý

+ Kanamycine: liều 750mg hoà tan trong 100 ml dung dịch nước sinh lý

  • Phòng bệnh

Phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh, điều này sẽ giúp ích cho bà con rất nhiều trong việc chăn nuôi. Cần chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái hợp lý, nên chăn thả trên bãi hoặc cho bò vận động. Khẩu phần dinh dưỡng phải cân đối, phù hợp với nhu cầu, nhất là trong thời kỳ mang thai cuối.

Bà con nên tham gia các khóa học về đỡ đẻ cho bò và tuân thủ các quy tắc vệ sinh trong thời kỳ bò đẻ. Khi trong đàn có một gia súc bị viêm tử cung, cần điều trị tích cực và nuôi tách riêng với những con khác để tránh lây nhiễm qua dịch, mủ.

3. Ngộ độc ở bò

Khi bò ngộ độc ít diễn ra, tuy nhiên càng môi trường bị ô nhiễm dẫn đến bò dễ bị ngộ độc chủ yếu là do ăn uống và sống trong môi trường bẩn và ô nhiễm. Bò bị ngộ từ thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ các nhà máy công nghiệp, nhiễm các nguồn nước, các bãi chăn thả bò và ô nhiễm ngay cả các loại sản phẩm-phụ phẩm nông nghiệp dùng làm thức ăn cho bò, làm cho bò có thể bị nhiễm độc cấp tính hoặc nhiễm độc trường diễn

 

  • Triệu chứng :

Tuỳ theo từng loại hoá chất và liều lượng mà bò ăn hoặc uống phải, các hoá chất này gây tác động với các mức độ khác nhau lên thần kinh trung ương, lên hệ thống tiêu hoá và các cơ quan khác của cơ thể.

– Trường hợp nhiễm độc trường diễn: là do gia súc tiếp nhận chất độc với lượng nhỏ, nhưng liên tục trong một thời gian nhất định. Các chất độc tích luỹ trong cơ thể, gây ra các biến đổi bệnh lý, khó phát hiện ngay. Thông thường, đó là những biến đổi: thoái hoá gan, rối loạn tiêu hoá, bần huyết, nhiễm độc thần kinh….. Điều nguy hiểm là các chất độc này tích luỹ trong cơ thể hoặc được thải qua sữa và người tiêu thụ loại thịt, sữa này cũng sẽ bị ngộ độc

– Trường hợp ngộ độc cấp diễn: bò đột ngột chảy rãi dớt như bọt xà phòng, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt liên tục. Một số trường hợp gia súc ỉa chảy dữ dội, thậm chí ỉa chảy có máu tươi. Các hoá chất có thể gây hưng phấn trung khu vận động, làm cho con vật chạy nhảy, đi vòng tròn, siêu vẹo không tự chủ được và sau đó liệt nằm một chỗ. Chất độc còn tác động lên trung khu hô hấp và tuần hoàn, làm cho bò lúc đầu thở mạnh, tim đập nhanh, loạn nhịp sau đó ngừng hô hấp, truỵ tim mạch và chết rất nhanh, sau 3-6 giờ

  • Chẩn đoán :

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng như mô tả trên. Cần phân biệt với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính: khi bị bệnh truyền nhiễm luôn luôn có sốt cao

Trong chẩn đoán bệnh, cần kết hợp xem xét các nguy cơ gây ra ngộ độc đồng thời xét nghiệm thức ăn và nguồn nước để tìm chất độc

  • Điều trị :

Việc xét nghiệm tìm ra chất độc mà bò bị nhiễm rất quan trọng, nó cho phép áp dụng biện pháp giải độc và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách, khi chưa xác định được loại chất độc và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng ta có thể điều trị theo phác đồ sau đây :

 

+ Giải độc cho gia súc: hàng ngày truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn (9%), huyết thanh ngọt (5%) đẳng trương với liều 2000ml/kg thể trọng kết hợp cho uống dung dịch orêsol: pha một gói 20g với 1000ml nước đun sôi để nguội

+ Hộ lý: để gia súc nơi thoáng khí. Nếu trời lạnh cần sưởi ấm. Cho ăn cháo loãng, dễ tiêu

+ Điều trị triệu chứng :

– Trợ tim mạch với việc tiêm long não nước hoặc cafein

– Chống xuất huyết với việc tiêm vitamin K và vitamin C

– Thuốc an thần: cho uống seduxen với liều 1mg (1 viên)/20-30kg thể trọng/ ngày

  • Phòng bệnh :

Hàng ngày cần chú ý kiểm tra thức ăn, nguồn nước dùng cho bò, nếu phát hiện mùi lạ thì phải loại bỏ hoặc cách ly, không cho bò đến gần. Ở những cánh đồng có phun thuốc trừ sâu cần chờ đợi thời gian khoảng 10 ngày cho thuốc kịp phân huỷ, trước khi thu cắt cho bò. Nhìn chung, cỏ thu cắt về trước khi cho bò ăn cần rửa sạch sẽ, phơi tái.

4. Bệnh chướng bụng đầy hơi khó tiêu

Chướng bụng đầy hơi khó tiêu là chướng bệnh thường nhiều nhất ở bò. Nguyên nhân do bò ăn nhiều cỏ non, đặc biệt là vào đầu mùa mưa.Hoặc do bò ăn phải các loại thức ăn bị thối, mốc, thức ăn quá chua hoặc do thay đổi thức ăn đột ngột. Trong số thức ăn xanh có một số loại dễ lên men như cải bắp, lá su hào, dưa chuột, dưa gang

  • Triệu chứng :

Các loại thức ăn vào dạ cỏ, bị lên men và sinh ra nhiều hơi, bụng gia súc căng to dần (đặc biệt phía bên trái). Dùng tay Gõ vào vùng trên dạ cỏ, tiếng kêu như tiếng trống, tim đập gấp, yếu. Bò biếng ăn, không nhai lại, đứng lên nằm xuống bứt dứt, khó chịu, nét mặt lo lắng, hay nhìn về phía sườn và thở khó khăn. Khi bị nặng bò không đứng được, nằm nghiêng, bốn chân bơi bơi, bí đái, bí ỉa.  Nếu không xử lý kịp thời, bò bị chết trong vòng vài giờ do ngạt thở.

  • Điều trị :

Phải điều trị kịp thời, nếu để chậm con vật có thể bị ngạt và chết. Tuỳ theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà áp dụng các biện pháp sau đây:

– Dùng nắm rơm khô hoặc dùng bọc giẻ gồm muối rang hoặc gừng, rượu, dấm trộn lẫn với nhau chà sát mạnh lên hai bên sườn và lên hông trái.

– Để bò đứng với phần thân trước cao hơn (đứng chân trước vào máng ăn hoặc chân sau trong hố), cho ống thông bằng cao su (đường kính 3-4cm) vào thượng vị dạ cỏ để làm cho hơi thoát ra.

– Cho bò uống bài thuốc gồm tỏi (10-20 nhánh), lá trầu không (10 lá), một bát nhỏ than xoan hoặc than củi tán nhỏ pha trộn với một ít dấm thanh hoặc khoảng 1 lít nước dưa chua.

– Dùng 3 quả bồ kết bỏ hạt, nướng giòn, sau đó giã nhỏ với 3 củ tỏi to, 1 củ gừng và 1 nắm rau dăm, hòa tất cả với 50ml nước trong cho bò uống

Nếu bò chưa khỏi có thể dùng Dùng pilocarpin 3% tiêm dưới da, liều 6-10ml, mỗi ngày tiêm một lần, trong 2-3 ngày liền. Cho uống 50g muối bicarbonat Na hoặc magiê sunphat, pha với 2-3 lít nước

Nếu bò chưa khỏi thì bác sĩ thú y sẽ thực hiện bằng cách chọc troca vào lõm hông trái để cho hơi thoát ra. Nhưng phải lưu ý sát trùng troca và sát trùng chỗ chọc cẩn thận; phải để cho hơi thoát ra từ từ, tránh cho bò bị chết do sốc. Sau khi chọc, tiêm thuốc trợ sức cho bò và cho ăn cháo loãng có pha chút muối.

  • Phòng bệnh:

– Cỏ non, đặc biệt là sau khi mưa, nên thu cắt và cho ăn tại chuồng, trước khi cho ăn cần rửa sạch và phơi tái.

– Trường hợp chẳng may thức ăn bị hỏng phải loại bỏ, không cho bò ăn. Bảo quản tốt thức ăn cho bò, tránh thối mốc.

– Không thay đổi các loại thức ăn một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ và có giai đoạn chuyển tiếp.

5 . Bệnh lở mồm long móng

Bệnh lở mồm long móng do virút hướng thượng bì gây ra. Ở việt nam bệnh này bùng phát vào những năm 2010 rất nhiều và rất bò trâu đã chết do không chữa trị kịp thời. Đây là bệnh cấp tính, lây lan rất nhanh, mạnh trên diện rộng, có đặc điểm là sốt và hình thành các mụn nước ở miệng, chân và vú.

Virút lở mồm long móng mẫn cảm với sự thay đổi độ pH, ánh nắng mặt trời. Nhưng nó có thể tồn tại lâu trên đồng cỏ có nhiệt độ thấp. Trong thực tế, virút tồn tại ở thịt buôn bán trên thị trường. Nó có thể sống ít nhất 1 tháng trong tinh bò đông viên -790C; 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn; và hơn 1 năm trong chuồng nuôi gia súc mắc bệnh

Bệnh lở mồm long móng diễn ra đối với bò trâu, dê, lợn nai hươi,…. đều có thể mắc bệnh, nhưng cảm nhiễm mạnh nhất với virút là trâu và bò, với tỷ lệ lên tới 100%. Ở động vật trưởng thành, tỷ lệ chết do bệnh gây ra không cao, chỉ khoảng 1-5%, nhưng ở động vật non, tỷ lệ này có thể lên tới 50-70%, thậm chí 100%.

Bò mắc bệnh do hít phải không khí hoặc ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Sau khi vào cơ thể, ngay lập tức virút vào máu và phát triển mạnh ở biểu bì miệng, chân và đầu vú

  • Triệu chứng 

Khi mắc chứng bệnh bò sẽ bị sốt cao trên 40 độ C, thường ũ rũ, bỏ ăn, giảm hẵn lượng sữa. Ở bò, thời gian ủ bệnh khoảng 3-6 ngày. Sau đó nhiệt độ giảm, bò có các biểu hiện viêm miệng cấp tính, miệng sưng, nước bọt chảy ra nhiều, thành những sợi dài xoắn vào nhau, bám xung quanh môi. Miệng mím chặt lại nên có tiếng kêu lép bép đặc trưng.

Kéo dài sốt tâm 3 ngày sau đó mọc các mụn ở lưỡi, hàm trên, rồi ở môi, lỗ mũi, kẽ chân, bờ móng, đầu vú…Các mụn có hình tròn hoặc dài, đường kính 1-2 cm. Ban đầu thành mụn có mầu sáng, sau đó chuyển dần sang vàng và dầy lên, 1-3 ngày sau mụn vỡ, dịch chảy ra và tạo thành vùng sẹo mầu đỏ. Do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên các mụn ở chân thường bị nhiễm trùng, con vật què, đi lại khó khăn hoặc nằm phục và có thể bị tuột móng.

  • Chẩn đoán:

Bác sĩ thú ý sẽ xác định chính xác lở mồm long móng ở bò nuôi.  Trong chẩn đoán, cũng cần căn cứ vào động vật cảm nhiễm để phân biệt lở mồm long móng với một số bệnh khác. Ví dụ, bệnh viêm mụn nước ở miệng, ngoài trâu, bò, dê, cừu còn thấy ở ngựa; bệnh mụn nước ở lợn chỉ có ở lợn…

Lấy bệnh phẩm ở các mụn nước  ở mồm, lưỡi và vú nhưng các mụn này phải chưa vỡ và tốt nhất là lấy vào ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc, khi dịch mụn còn trong. Trước khi cắt phải dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch mụn và cần ít nhất 2 g bệnh phẩm.

Các phương pháp chẩn đoán phòng thí nghiệm:

 

– Phản ứng cố định bổ thể

– Nuôi cấy mô

– Phản ứng ELISA

– Tiêm truyền qua động vật thí nghiệm: chuột nhắt non, chuột lang…

  • Phòng và trị bệnh:

Vì mầm bệnh là virút nên thực tế không thể điều trị được và cho đến nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh tự khỏi nếu các tổn thương không bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác. Do đó cách điều trị tốt nhất là rửa bằng các chất sát trùng nhẹ hoặc sử dụng dấm, khế, chanh và bảo vệ vết thương để ngăn cản bội nhiễm.

Có ba biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng là: giết huỷ toàn bộ, tiêm phòng bằng vacxin và giết huỷ kết hợp với tiêm phòng. Việc áp dụng biện pháp nào tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi nước. Ở nước ta, thường sử dụng biện pháp tiêm phòng. Do trước đây có các chủng gây bệnh là O, A vàAsia1 nên chúng ta đã sử dụng vacxin đa giá có chứa các chủng trên. Nhưng kết quả chẩn đoán gần đây trên cả nước chỉ phát hiện virút tip O, nên đã chuyển sang sử dụng loại vacxin đơn giá tip O, dùng chung cho cả trâu, bò và lợn, nhằm giảm chi phí

 

6. Bệnh tụ huyết trùng

Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9

Bò có thể bị cảm nhiễm. Vi khuẩn có sẵn trong đất và vào mùa mưa rất dễ phát tán, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào các nguồn nước, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khoẻ thông qua tiếp xúc (nhốt cùng chuồng, chung nguồn thức ăn, nước uống….) hoặc có thể do một số vật môi giới truyền bệnh (côn trùng, chó, mèo, chuột…) hút máu gia súc bệnh, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ

  • Triệu chứng và bệnh tích :

Sau khi vào đường tiêu hoá, vi khuẩn qua niêm mạc xâm nhập vào hệ thống lâm ba và máu làm cho các hạch lâm ba sưng to, xuất huyết, đặc biệt là các hạch lâm ba sau hầu, vai, hạch lâm ba ruột. Bệnh có thể tiến triển theo thể ác tính, cấp tính và mãn tính

– Thể ác tính thường ít gặp, bò đột nhiên có sốt cao (41-420C), trở nên hung dữ, bệnh phát rất nhanh và chúng có thể chết sau 24 giờ

– Thể mãn tính xuất hiện ở những con mắc bệnh thể cấp tính không chết chuyển thành. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: viêm ruột mãn tính (lúc ỉa chảy, lúc táo bón), viêm phế quản và viêm phổi mãn tính, viêm khớp và con vật đi lại khó khăn. Bệnh tiến triển trong vòng vài tuần, các triệu chứng có thể nhẹ dần và con vật khỏi bệnh, nhưng thông thường con vật bị chết do gầy rạc và kiệt sức

– Thể cấp tính phổ biến ở bò. Bệnh tiến triển trong 3-5 ngày và tỷ lệ chết rất cao: 90-100%. Sau thời kỳ nung bệnh 1-3 ngày, bò có các biểu hiện: không nhai lại, mệt lả, sốt cao đột ngột 40-420C, khó thở và thở mạnh. Một số con bị bệnh thể đường ruột: bụng chướng to, lúc đầu đi táo sau đó ỉa chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Lúc sắp chết, thấy bò nằm liệt, đái ra máu, khó thở, có nhiều chấm xuất huyết đỏ xẫm ở các niêm mạc

Khi mổ khám, ngoài các bệnh tích ở các hạch lâm ba như mô tả trên còn thấy: tim sưng to, trong bao tim, màng phổi, xoang ngực, xoang bụng chứa nước vàng; thịt mầu tím hồng, thấm nhiều nước; tụ huyết và xuất huyết ở các niêm mạc (miệng, mũi, mắt.. ) và dưới da

  • Chẩn đoán :

Có hai phương pháp chẩn đoán bệnh :

– Chẩn đoán vi khuẩn bằng kiểm tra các tiêu bản máu và tổ chức trên kính hiển vi hoặc nuôi cấy vi khuẩn trong các môi trường nhân tạo (môi trường nước thịt, môi trường thạch đĩa)

– Chẩn đoán lâm sàng, dựa vào các triệu chứng đặc trưng của bệnh: sốt cao, biểu hiện thần kinh, tụ huyết và xuất huyết mạnh ở tất cả các niêm mạc và dưới da

  • Phòng trị bệnh :

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng cho đàn bò bằng các loại vac-xin như vác-xin nhược độc, vác-xin nhũ hoá, vác-xin pha fócmôn và keo phèn….Liều lượng, cách sử dụng cũng như hiệu quả phòng bệnh tuỳ thuộc vào từng loại vác-xin. Thông thường, ở những nơi có lưu hành bệnh hoặc có nguy cơ cao cần tổ chức tiêm phòng cho toàn đàn bò hai lần mỗi năm (cách nhau 6 tháng) bằng một trong các loại vác-xin trên

Song song với biện pháp tiêm phòng, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bãi chăn: tiêu độc, tẩy uế chuồng trại bằng nước vôi 10% hoặc bằng các thuốc sát trùng khác, khơi thông cống rãnh quanh chuồng, bãi chăn…Khi có dịch xảy ra cần phát hiện kịp thời những con ốm để cách ly và điều trị, công bố dịch và nghiêm cấm không cho vận chuyển, giết mổ bò, những bò chết phải được chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn, tẩy uế chuồng trại, bãi chăn, ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh

Phương pháp điều trị bệnh là dùng huyết thanh miễn dịch đối với bệnh tụ huyết trùng bò với liều 20-40ml (cho bê, nghé) và 60-100ml (cho bò trưởng thành). Cũng có thể sử dụng các kháng sinh như :

– Tetracyclin: mỗi ngày tiêm 20mg/kg thể trọng, liên tục trong 4-5 ngày

– Streptomycin: liều lượng mỗi ngày 15-20mg/kg thể trọng, tiêm làm 3-4 lần cách nhau 3-4 giờ và tiêm liên tục 3-4 ngày

– Sunfamerazin: liều dùng mỗi ngày 0,13g/kg thể trọng, tiêm tĩnh mạch dung dịch 6% và trong 5 ngày liên tục.

7. Bệnh dịch tả

Bệnh dịch tả phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virút gây ra.  Virút dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hoá, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.

Bò mạnh khỏe và bò bệnh nhốt chung 1 chuồng sẽ bị lây và nhiễm bệnh. Bệnh lây qua do tiếp xúc qua dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh, do bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.

  • Triệu chứng và bệnh tích :

Thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 9 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 12 – 15 ngày.   Thời gian bò bị bệnh kéo dài 7-8 ngày và gây tỷ lệ chết rất cao, 90-100%

Bò bị bệnh ở 4 thể:

– Thể quá cấp tính: diễn ra khoảng 12-24 giờ, bò lăn ra chết mà chưa có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Thông thường chỉ thấy niêm mạc xung huyết, đỏ thẫm.

– Thể mãn tính: các triệu chứng thể hiện rõ nhất là suy nhược, kiệt sức, đi xiêu vẹo, lúc đi táo, lúc đi lỏng và kéo dài hàng tháng. Đa số bò bệnh bị chết do kiệt sức, một số con có thể khỏi bệnh và sau khi hồi phục vẫn là ổ chứa virút, gieo rắc virút vào môi trường

– Thể cấp tính: bò sốt cao, 40-410C trong vòng 3-4 ngày, ủ rũ, mệt nhọc ăn ít hoặc bỏ ăn. Ban đầu niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ thẫm, có chấm xuất huyết sau đó mọc các mụn nhỏ, bằng hạt kê thành từng đám, mầu xám. Khi sốt cao con vật đi táo, khi nhiệt độ hạ đi ỉa lỏng vọt cầu vồng. Phân mầu nâu đen có lẫn máu và màng giả. Bò gầy tọp và sau đó bị chết do kiệt sức.

Các bệnh tích chủ yếu ở bộ máy tiêu hoá: niêm mạc miệng, dạ múi khế, van hồi manh tràng, ruột tụ máu và có những vết loét nhỏ như hạt kê hoặc hạt đỗ màu vàng xám hoặc đỏ tím. Gan vàng úa và dễ nát. Túi mật sưng to, niêm mạc túi mật tụ máu và xuất huyết.

Lá lách, thận, màng treo ruột sưng, tụ máu và xuất huyết giống như niêm mạc túi mật.

  • Chẩn đoán:

Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh dịch tả là con vật cùng một lúc có sốt cao và viêm loét miệng; khi nhiệt độ hạ xuống thì bị ỉa chảy dữ dội. Bệnh tích điển hình là những nốt loét có bờ, phủ bựa vàng xám ở dạ múi khế và van hồi manh tràng

Trường hợp nghi ngờ có thể lấy máu của vật bệnh và tiêm dưới da cho bê khoẻ mạnh. Sau khoảng một tuần bê sẽ phát bệnh với các dấu hiệu điển hình của bệnh dịch tả.

  • Phòng trị bệnh:

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh dịch tả. Trường hợp bệnh mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu bò

  • Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng:

– Khi con vật sốt cao, tiêm dưới da Urotropin 10%, liều 10ml/ngày

– Hạn chế ỉa chảy bằng việc cho uống các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè tươi

– Trường hợp bò bị ỉa chảy mạnh, mất nước, cần truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý mặn, sinh lý ngọt đẳng trương với liều 1000ml/100kg khối lượng

  • Liều lượng:

– Từ 60 đến 100ml/ngày/con bê có khối lượng dưới 100kg

– Từ 100 đến 160ml/ngày/con bò có khối lượng 100-200kg

– Từ 160 đến 200ml/ngày/con bò có khối lượng trên 200kg

Đối với bệnh dịch tả, biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Khi chưa có dịch xảy ra, cần tiêm vacxin cho toàn đàn mỗi năm 1-2 lần, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh các ổ dịch, những vùng có nguy cơ cao, kết hợp với việc tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt và tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y.

 

8. Bệnh sán lá gan

Bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh do một sán lá (hình bầu dục, dẹt như một chiếc lá, mầu nâu xám) sống trong gan loài nhai lại gây ra. Sán lá trưởng thành ký sinh trong gan, chúng đẻ ra trứng, trứng theo đường mật vào ống tiêu hoá để rồi được thải ra ngoài theo phân.

Khi rơi vào môi trường nước, và khi nhiệt độ tương đối cao, trứng sẽ phát triển thành một ấu trùng có lông. Các ấu trùng này nhiễm vào ốc theo cách chủ động: tức là chúng tự chui vào ốc. Sau khi chui vào ốc, các ấu trùng chuyển thành bào ấu, trong đó có các “redie“ được phát triển bằng hiện tượng sinh sản đa phôi vô tính. Sau khi rời khỏi bào ấu, các “redie” chuyển thành vĩ ấu – một giai đoạn ấu trùng khác. Các vĩ ấu này rời khỏi ký chủ trung gian (rời khỏi ốc) và lại có mặt trong môi trường nước. Chúng có một chiếc đuôi và rất linh động, chúng chuyển thành thể nang rất nhanh chóng (trong vòng một vài giờ) và hình thành thể gây nhiễm – gọi là vĩ ấu bọc kén, thể này bám lên các cây sống trong nước hoặc lên cỏ ngập nước.

Những gia súc (bò) bị nhiễm với sán lá gan tại những nơi uống nước, trên bãi chăn ngập nước, sình lầy hoặc do ăn cỏ bị nhiễm được thu cắt từ những nơi này. Việc lây nhiễm tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường những năm mưa nhiều hoặc sau những vụ lụt, ốc phát triển mạnh thì sau đó có những đợt phát bệnh nặng

Ký chủ cuối cùng (bò) bị nhiễm do ăn phải các vĩ ấu bọc kén bám trên cỏ hoặc các loại cây khác. Sau khi được ăn vào, các vĩ ấu bọc kén chuyển thành các sán lá gan dạng non và di chuyển qua thành ruột và tấn công các nhu mô gan. Trong gan, sau khoảng 6 đến 10 tuần chúng đạt đến độ tuổi trưởng thành và đẻ trứng vào ống mật.

  • Triệu chứng và bệnh tích:

Ở bò thường thấy dạng bệnh mãn tính. Bệnh tiến triển theo ba thời kỳ :

– Thời kỳ đầu: thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt

– Thời kỳ thứ hai: bò có biểu hiện thiếu máu, gầy, khát nước, hơi sốt và thuỷ thũng nhẹ ở phúc mạc. Kết mạc mắt sưng và nhợt nhạt, mí mắt phù

– Thời kỳ thứ ba: bò gầy rạc, những con có thai thường bị xảy hoặc đẻ non yếu ớt, nhẹ cân. Bò bỏ ăn, tiêu hoá kém, ỉa lỏng. Triệu chứng đặc hiệu là thuỷ thũng dưới hàm

Thời gian tiến triển của bệnh rất thay đổi, nhưng ít khi kéo dài quá 6 tháng. Con vật chết do kiệt sức, không đau đớn gì và không co giật

Những sán lá gan sống ký sinh trong gan gây ra những tổn thương ít nhiều trầm trọng cho nhu mô gan. Những tổn thương này tuỳ thuộc vào cường độ nhiễm. Khi bị nhiễm nặng có thể dẫn đến tử vong. Sán lá gan hút máu trong ống mật, gây ra hiện tượng viêm các ống dẫn mật và các ống này có thể bị can-xi hoá, chức năng của gan bị hỏng. Trong một số trường hợp, người ta ghi nhận có hiện tượng xơ gan

Khi bệnh tiến triển thấy niêm mạc nhợt nhạt, vàng da, con vật gầy rạc, các mô mỡ và bắp thịt teo đi. Hồng cầu giảm xuống chỉ còn dưới 1 triệu/mm3

 

  • Chẩn đoán :

+ Chẩn đoán lâm sàng :

Chẩn đoán lâm sàng bệnh sán lá gan luôn luôn khó khăn do các dấu hiệu không điển hình. Một loạt triệu chứng có thể quan sát được theo trình tự thời gian như: hiện tượng thiếu máu đi cùng với tính vô cảm, ăn kém ngon miệng, gầy, da hơi vàng; xuất hiện ỉa chảy và cuối cùng, trong những trường hợp trầm trọng, phát triển phù thũng và gia súc suy mòn dần. Sờ vào sườn bên phải gây ra cảm giác đau rõ ràng

+ Chẩn đoán qua việc mổ khám:

Sự có mặt của các sán lá gan trong ống mật, việc can-xi hoá các ống dẫn và các tổn thương do các sán lá non di chuyển gây ra là những tổn thương đặc trưng của bệnh sán lá gan

+ Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm :

Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm tiến hành chủ yếu bằng kiểm tra phân, nhưng gần đây người ta đã đưa vào các xét nghiệm huyết thanh học

 

– Kiểm tra huyết thanh học: gần đây những kỹ thuật huyết thanh học đã được phát triển và áp dụng để chẩn đoán, nghiên cứu dịch tễ bệnh sán lá gan. Chủ yếu là xét nghiệm ELISA để phát hiện các kháng thể lưu hành. Những lợi ích lớn nhất của xét nghiệm ELISA là khả năng phát hiện được việc nhiễm bệnh trong thời kỳ trước khi sán trưởng thành, trước khi trứng được bài tiết ra, và khả năng kiểm tra một số lượng mẫu lớn. Những vấn đề tồn tại của xét nghiệm này là giá thành, thiết bị cần thiết, việc thiếu độ mẫn cảm và đặc thù và sự tồn lưu kháng thể sau khi điều trị.

– Kiểm tra phân: nhằm phát hiện những trứng đặc trưng của sán lá gan trong phân với việc sử dụng kỹ thuật làm giầu bằng lắng cặn hoặc phù nổi để tập trung một số lượng lớn nhất tế bào trứng từ một lượng phân nhỏ nhất có thể

Tuy vậy, việc kiểm tra phân chỉ có ích trong trường hợp bệnh sán lá gan mãn tính. Một bất lợi khác cũng cần phải đề cập đến, đó là việc sản sinh ra trứng ngắt quãng, không liên tục, tuỳ thuộc vào việc thải dịch từ túi mật và sinh học của ký sinh trùng. Do đó, người ta khuyên là nên lặp lại kiểm tra để chẩn đoán bệnh theo cách này và lấy mẫu đại diện một số gia súc trong cùng một đàn.

 

  • Điều trị :

Hiện nay người ta sử dụng những sản phẩm sau đây :

– Triclobendazole (Fasinex â) là một sản phẩm tuyệt hảo, có tác dụng chống lại các sán lá rất tốt ngay cả ở những giai đoạn còn rất non. Liều dùng cho bò là 12 mg/kg khối lượng cơ thể

– Closantel: là một sản phẩm tuyệt hảo chống lại các sán lá trưởng thành và các sán non bắt đầu từ tuần thứ 6, nó giữ được hoạt tính trong vòng nhiều tuần lễ, có hoạt tính chống lại loài giun tròn hút máu và một số loài chân đốt

– Clorsulon: hoạt tính rất mạnh chống lại các sán lá trưởng thành và các sán lá còn non bắt đầu từ tuần thứ 6

Những sản phẩm được sử dụng gần đây là bithionol và bithionol-sulphoxide, oxyclozanide, rafoxanide, nitroxynil, diamphenetide….. có tác dụng đối với sán lá trưởng thành và một phần đối với các sán lá còn non.

Trong một thời gian dài, người ta thường dùng những dẫn xuất hydrocarbon có halogen để điều trị bệnh sán lá gan. Những sản phẩm này tương đối độc hại và chúng chỉ tác động lên các sán lá trưởng thành.

  • Kiểm soát và khống chế bệnh :

Cuộc đấu tranh tổng thể chống lại bệnh sán lá gan bao gồm ba khía cạnh chính sau đây :

 

– Tác động lên ốc – ký chủ trung gian:

Bằng đấu tranh hoá học và đấu tranh sinh học: sử dụng các loại thuốc diệt ốc; thoát nước cho những bãi chăn sình lầy; đưa vào nuôi và bảo vệ các loài chim ăn ốc (ví dụ như vịt); đưa vào các loại ốc không phải là ký chủ trung gian của sán lá nhưng lại cạnh tranh với các loài ốc ký chủ trung gian. Thông thường thì các biện pháp này có hiệu quả hạn chế, nhưng có thể bổ sung với những hoạt động khác

– Sử dụng các loại thuốc diệt sán lá gan :

Cho phép giảm đáng kể khả năng nhiễm bệnh tiềm tàng, trong khi tiêu diệt sán lá trưởng thành ở ký chủ cuối cùng: việc điều trị theo phương pháp bắt buộc phải dựa trên các hiểu biết về dịch tễ học. Trong các vùng có các mùa khô và mùa mưa, thông thường áp dụng hai lần điều trị, lần đầu vào cuối mùa mưa để loại các sán lá trưởng thành và để cho gia súc bước vào mùa khô trong trạng thái sức khoẻ tốt và cũng để ngăn cản việc nhiễm các nguồn nước; lần điều trị thứ hai vào cuối mùa khô, khi mà các sán lá non di chuyển trong nhu mô gan. Lần điều trị thứ hai này cần sử dụng một chế phẩm có tác dụng chống lại giai đoạn ấu trùng

– Phòng bằng các biện pháp vệ sinh :

Giảm hoặc hạn chế tiếp xúc giữa bò với các vĩ ấu bọc kén và giữa phân với ốc. Những biện pháp này liên quan đến điều khiển, quản lý đàn và quản lý bãi chăn; xây dựng những điểm nước uống bảo đảm vệ sinh

9. Bệnh giun đũa ở bê

Ở nước ta, bệnh thường phát vào mùa rét, tại các vùng nuôi bò thuộc đồng bằng, trung du, miền núi. Bệnh phổ biến hơn ở miền núi vì bê thường thả rông theo mẹ đi ăn. Bệnh do một loài giun đũa sống ký sinh trong tá tràng của bê gây nên. Bệnh chỉ phát ra ở bê, phổ biến ở lứa tuổi 20-25 ngày sau khi đẻ

  • Triệu chứng và bệnh tích:

Bệnh kéo dài ít nhất là 5 ngày và dài nhất là 48 ngày, thường là 11-30 ngày. Bê thường chết 7-16 ngày sau khi phát bệnh. Khi bị bệnh, bê có dáng điệu lù đù, chậm chạp, đầu cúi, lưng cong, đuôi cụp, bụng to, lông xù. Đôi lúc con vật không muốn bú, không muốn ăn và thường nằm một chỗ

Trong thời kỳ ấu trùng, giun đũa di hành và gây tổn thương các cơ quan như gan, phổi. Khi giun trưởng thành, chúng sống ký sinh tại ruột non và với số lượng lớn có thể vít chặt ruột, làm tắc ruột, có khi làm thủng ruột hoặc giun chui vào ống mật. Giun hút các chất dinh dưỡng của vật chủ, đồng thời tiết ra các độc tố làm cho bê bị trúng độc, ỉa chảy và gầy sút rất nhanh

Trong trường hợp bệnh nặng, con vật bỏ ăn, nằm một chỗ, gầy rạc, thở yếu, hơi thở hôi thối. Mắt lờ đờ, chảy nước mắt có nhử. Mũi khô, thân nhiệt có thể lên đến 40-41°C. Có con đau bụng, nằm ngửa dãy dụa. Lúc mới nhiễm bệnh phân bê lổn nhổn, hơi táo, từ mầu đen chuyển sang mầu vàng sẫm có lẫn máu.

Về sau phân chuyển sang vàng xám, đặc sền sệt, rồi ngả sang mầu trắng và lỏng dần, mùi tanh khẳm và rất thối. Con vật ỉa vọt cần câu, phân dính ở khuỷu chân, xung quanh hậu môn. Với triệu chứng điển hình phân mầu trắng và rất thối người ta có thể chẩn đoán được bệnh. Con vật gầy sút rất nhanh và có thể chết. Khi gần chết, nhiệt độ thân thể có khi hạ xuống dưới mức bình thường (35-36°C )

Nếu bê khỏi bệnh thì phân từ mầu trắng chuyển lại mầu vàng rồi vàng sẫm, đen và đặc lại, mùi bớt tanh dần

  • Chẩn đoán :

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng (chú ý đến biến đổi của phân: phân trắng, lỏng, mùi thối khẳm) kết hợp với đặc điểm dịch tễ: bệnh thấy ở bê mà không thấy ở bò trưởng thành

– Dùng phương pháp phù nổi để kiểm tra trứng giun trong phân

  • Điều trị:

Có thể dùng một trong các bài thuốc sau đây :

– Sử dụng piperazin, thuốc đặc trị giun đũa bê. Thuốc này có hiệu lực cao, ít độc, sử dụng dễ dàng. Liều phòng và trị là 0,25g/kg khối lượng cơ thể, hoà vào nước, cho uống một lần, không cần nhịn đói và tẩy. Cũng có thể trộn thuốc với thức ăn. Trong trường hợp bê bị nặng, có thể điều trị lặp lại sau 5 ngày

– Cho uống phenolthiazin, liều 0,05g/kg thể trọng, hai lần trong ngày và trong hai ngày liền

– Trộn chung 20g bột hạt cau và 25g bột diêm sinh sau đó hoà với 1/3 lít nước hơi ấm. Cho bê uống vào mỗi buổi sáng trong ba ngày liền

– Menbevet: liều 0,5g/kg thể trọng, cho uống vào hai buổi sáng

– Hexachlorethan: liều 0,2ml /kg thể trọng, cho uống hai lần cách nhau 10 ngày

– Giã nhỏ 50g vỏ xoan (một nắm), sau đó trộn với 2g muối (một thìa cà phê) và hoà vào 1/3 lít nước ấm. Để lắng và gạn lấy nước cho bê uống vào các buổi sáng trong ba ngày liền

– Dùng hai hoặc ba lá đu đủ non giã nhỏ, hoà với 1/3 lít nước cho uống vào buổi sáng trong ba ngày liền

 

  • Phòng bệnh :

– Để chủ động phòng bệnh, sau khi đẻ 7-10 ngày, cần cho bê uống một trong những bài thuốc nêu trên. Uống một lần trong một buổi sáng. Khi uống, bắt bê nhịn đói (đặc biệt là những vùng có bệnh)

– Cho bò mẹ ăn uống tốt để có đủ sữa cho con bú, kết hợp vệ sinh chuồng trại, môi trường. Cho uống nước sạch. Giữ chuồng nuôi ấm và khô ráo. Tập trung phân ủ để diệt trứng giun

 

10. Bệnh tiên mao trùng

Từ cuối mùa thu đến đầu mùa xuân bò nhiễm bệnh tiên mao trùng thường phải làm việc nặng nhọc trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và thời tiết khắc nghiệt (lạnh, rét) nên sức đề kháng giảm và bệnh phát nặng, dẫn đến đổ ngã hàng loạt. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra hàng năm ở các tỉnh từ trung du đến đồng bằng

Bệnh không lây trực tiếp từ con vật ốm sang con vật lành mà do các loài ruồi trâu và mòng hút máu, truyền bệnh. Ruồi trâu và mòng chích hút máu bò bệnh, cùng với máu chúng hút cả tiên mao trùng, sau đó nếu chúng chích một con bò lành thì chúng truyền sang cho bò lành đó. Khoảng 1 tuần sau khi bị truyền bệnh, bò bắt đầu phát bệnh. Ngoài ra, đỉa, vắt cũng có thể là môi giới truyền bệnh.

Là bệnh ký sinh trùng đường máu và bò rất mẫn cảm với bệnh này. Tiên mao trùng là đơn bào, có kích thước nhỏ, sống ký sinh và di chuyển được trong máu nhờ một roi tự do.

Việc lây lan bệnh thường xảy ra vào các tháng nóng ẩm, từ tháng 4 đến tháng 9, khi ruồi, mòng phát triển mạnh, có nhiều, đặc biệt ở những vùng lầy lội, ẩm thấp

  • Triệu chứng và bệnh tích :

Bò bị bệnh thể hiện các triệu chứng: sốt cao, lên tới 40-410C. Sốt 1-2 ngày liền, sau đó nhiệt độ hạ xuống mức bình thường. Sau 2-6 ngày, nhiệt độ lại tăng lên, cứ như thế lặp đi lặp lại nhiều đợt (sốt làn sóng). Khi sốt cao thường thể hiện hội chứng thần kinh: quay cuồng, đi vòng tròn, run rẩy… (Triệu chứng này thường có ở bò bị bệnh cấp tính).

Tiên mao trùng ký sinh trong cơ thể, chúng lấy các chất dinh dưỡng từ máu của vật chủ bằng phương thức thẩm thấu, làm cho vật chủ ngày càng gầy yếu, thiếu máu, giảm sức đề kháng và mất dần khả năng làm việc. Sống trong máu vật chủ chúng còn tiết ra độc tố.

Độc tố này tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn trung khu điều nhiệt, gây cho con vật sốt cao và những cơn sốt gián đoạn. Độc tố tác động phá huỷ hồng cầu, ức chế cơ quan tạo máu, làm cho vật chủ thiếu máu và suy nhược dần. Ngoài ra, độc tố còn tác động lên hệ thống tiêu hoá, gây ra hội chứng ỉa chảy

Bò bị thiếu máu và suy nhược. Hồng cầu giảm xuống dưới 3 triệu/mm 3 (ở bò khoẻ = 5-6 triệu/mm 3). Bệnh có thể kéo dài 1-2 tháng, con vật càng ngày càng gầy, da khô mốc. Sức khoẻ suy yếu dần, kém ăn, kém nhai lại, đi phân táo có lẫn máu hoặc đi tháo lỏng mùi thối khắm. Có khi con vật đi ỉa ra cả màng ruột, nát từng đoạn

Thường thấy có thuỷ thũng ở hầu, ức, nách, chân, háng.Tim mạch yếu, chân sau bị tê liệt hoặc nửa thân sau bị liệt, con vật đứng không vững

Khi gần chết tim đập rất nhanh và rất yếu. Trước khi chết, nhiệt độ thân thể xuống thấp hoặc có một cơn sốt ngắn

Niêm mạc mắt tụ máu mầu đỏ tía, đôi khi có chấm máu, chảy nước mắt và mắt có nhiều dử đặc như keo. Có khi mắt sưng húp, sau 2-7 ngày mắt đỡ sưng. Niêm mạc mắt trở nên vàng nhạt hay sẫm. Các niêm mạc miệng, âm đạo cũng vàng

Khi mổ khám con vật, thấy: máu rất loãng, mầu hồng. Trong lồng ngực, xoang bụng, bao tim có nước mầu vàng da cam. Những chỗ thuỷ thũng chứa chất nhầy như keo. Thịt nhão, mỡ lầy nhầy mầu vàng thẫm. Tim, phổi, lách đều sưng và tụ máu. Dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, ruột non và ruột già đều bị xuất huyết, tím bầm

Trường hợp bệnh rất nặng, con vật đột ngột sốt cao, bụng trướng to rồi lăn ra chết

  • Chẩn đoán :

Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh :

– Căn cứ vào những biểu hiện lâm sàng như mô tả trên: sốt cao và cách từng đợt, niêm mạc mắt vàng, thuỷ thũng chứa chất keo, ỉa chảy, suy nhược, thân sau liệt,

– Lấy máu, nhuộm Giemsa và quan sát dưới kính hiển vi cũng phát hiện ra ký sinh trùng.

– Lấy máu bò bệnh và tiêm truyền cho động vật thí nghiệm (thỏ, chuột bạch, chuột lang), sau 2-6 ngày có nhiều ký sinh trùng trong máu những động vật này.

– Lấy máu xem tươi dưới kính hiển vi (đặc biệt lúc con vật đang sốt) sẽ thấy ký sinh trùng còn sống, bơi giữa các hồng huyết cầu chuyển động.

– Phương pháp ngưng kết trực tiếp trên phiến kính

– Phương pháp chẩn đoán miễn dịch ELISA

  • Điều trị :

Chú ý phát hiện bệnh sớm và chữa bệnh kịp thời, kết hợp ba biện pháp sau đây :

+ Dùng thuốc diệt ký sinh trùng như phenidium clorit, protidium,  phenoltridinium, suramin, metamidium, berenin, antryxit ….

Nhìn chung, tất cả các thuốc trên đều có hai tác dụng: điều trị bệnh và phòng bệnh. Trong một số trường hợp, tác dụng phòng bệnh có thể kéo dài 4-6 tháng. Ở nước ta thường dùng naganin để điều trị bệnh tiên mao trùng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, naganin có tác dụng chống tiên mao trùng cảm nhiễm trên bò trong vòng 3 tháng. Do vậy, có thể dùng naganin với các mức độ khác nhau :

– Nơi nhiễm tiên mao trùng nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng thì trong một năm chỉ nên phòng trị một đợt bằng naganin, với liều 0,01g/kg khối lượng cơ thể vào dịp tháng 9-10 dương lịch, trước vụ đông giá rét

– Liều điều trị: 0,015g/kg khối lượng cơ thể, pha dung dịch 10% nước cất. Tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp thịt. Tiêm hai ngày nghỉ một ngày, rồi lại tiêm lần thứ ba

– Nơi có bệnh xảy ra, có bò ốm, chết: năm đầu tiên phòng trị bằng naganin 2 đợt (tháng 3-4 và tháng 9-10 dương lịch). Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm chỉ cần phòng trị một đợt vào tháng 9-10 dương lịch. Nếu dùng liên tục trong nhiều năm như vậy có thể thanh toán được bệnh tiên mao trùng trong từng khu vực nhất định

Tiêm trợ lực: Nước sinh lý mặn 0,9%: 150-250ml, tiêm tĩnh mạch

 

Clorua canxi 10%: 70-100ml, tiêm tĩnh mạch

Nước sinh lý ngọt 5%: 200-300ml, tiêm tĩnh mạch

Cafein 20%: 11-20ml hoặc long não nước 10%, liều lượng 40-50ml

+ Bồi đưỡng, chăm sóc: cho ăn đầy đủ cỏ tươi, hỗn hợp tinh, bổ sung khoáng và vitamin

+ Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, tiêu diệt ruồi trâu và mòng

11. Bệnh cầu trùng

Ở Việt nam, bệnh cầu trùng đã được phát hiện tại nhiều địa phương. Bê bị nhiễm cầu trùng với tỷ lệ cao hơn bò trưởng thành. Bệnh cầu trùng phân bố ở hầu khắp các nước trên thế giới. Bò nhà, trong đó có bò thịt và bò rừng đều có thể bị nhiễm bệnh.

Cầu trùng là những bào tử trùng có hình trứng hoặc hình cầu, thông thường sống ký sinh trong các tế bào biểu bì của con vật. Cầu trùng có thể sinh sản vừa vô tính vừa hữu tính

Bò, bê nhiễm bệnh do ăn cỏ tươi hay uống nước ao tù có chứa noãn nang cầu trùng. Bệnh thường phát vào mùa hè, những tháng nóng ẩm, ở những đồng cỏ ẩm thấp, đặc biệt vào những năm mưa nhiều. Thời tiết nóng ẩm làm cho noãn nang dễ dàng phát triển đến giai đoạn cảm nhiễm

Các loài cầu trùng đều có hai giai đoạn phát triển :

– Giai đoạn phát triển ngoài tự nhiên: noãn nang được bài xuất ra ngoài theo phân, là dạng trưởng thành của cầu trùng, bên trong gồm có 4 bào nang. Ngoài tự nhiên, gặp các điều kiện thuận lợi, mỗi bào nang phát triển thành hai bào tử thể. Đây là dạng noãn nang cảm nhiễm

– Giai đoạn ký sinh trong cơ thể bê: bê ăn phải noãn nang cảm nhiễm, vào trong cơ thể vật chủ, noãn nang vỡ ra, giải phóng ra các bào tử thể, rồi phát triển thành các bào tử đực và cái. Các bào tử này kết hợp với nhau thành hợp tử. Hợp tử sẽ vỡ ra, giải phóng ra các noãn nang và noãn nang theo phân ra ngoài

  • Triệu chứng và bệnh tích:

Trong quá trình ký sinh và phát triển ở ruột bê, cầu trùng gây tổn thương lớp nhung mao và lớp cơ thành ruột, làm tróc niêm mạc ruột và xuất huyết. Cầu trùng tiết ra các enzym và độc tố phá hoại mô ruột. Những tổn thương của ruột tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có sẵn ở trong ruột xâm nhập vào và gây viêm ruột kế phát

Niêm mạc ruột đỏ và thuỷ thũng, có khi phủ đầy mủ và màng giả, thường có xuất huyết

Khi bê có sức đề kháng cao, bệnh chuyển sang thể mãn tính, khi ỉa chảy, khi táo bón, phân thường có dịch nhầy và dính máu. Con vật gầy còm, suy nhược và thường dễ bị nhiễm các bệnh khác

Thời kỳ nung bệnh khoảng 1-2 tuần. Sau thời kỳ này, con vật có thể bị dạng bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Trường hợp bệnh cấp tính, con vật bị sốt, run rẩy, đi tả nhiều nước và có máu, hình thành màng giả. Mỗi lần ỉa con vật cong lưng rặn, nhưng phân ra rất ít. Tình trạng chung của con vật ốm yếu, kém ăn, gầy sút, khát nước dữ, uống nhiều nước. Bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần lễ và khỏi rất chậm. Trường hợp vật bị bệnh rất nặng có thể chết trong 48 giờ giữa những cơn co giật

 

Tiên lượng của bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%

  • Chẩn đoán :

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng điển hình của bê non: ỉa lỏng, phân nhầy, có máu tươi (lỵ đỏ) và căn cứ vào khu vực có lưu hành bệnh

– Kiểm tra phân của bê và bò bị bệnh để tìm noãn nang cầu trùng bằng phương pháp phù nổi: hoà phân vào cốc nước muối bão hoà, sau 20-30 phút, các noãn nang có tỷ trọng nhẹ hơn và nổi lên trên. Hớt lớp bên trên và đặt lên lam kính, kiểm tra dưới kinh hiển vi để phát hiện noãn nang

  • Điều trị :

Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh cầu trùng bê. Chúng ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây :

– Dùng thymol cho uống, đây là loại thuốc tốt nhất: dùng 2-3 viên (mỗi viên 7g) trong một ngày, trong thời gian từ 3 đến 5 ngày

 

– Furazolidon hoặc nitrofuran, liều 0,03-0,04g cho một kg khối lượng cơ thể, dùng trong 4-5 ngày liên tục. Có thể trộn thuốc với thức ăn hoặc pha vào nước uống

– Dùng phenolthiazin: 30mg cho 1kg khối lượng cơ thể, dùng làm hai lần cách nhau 24 giờ

– Furaxilin: 3g mỗi ngày cho 100kg khối lượng cơ thể, dùng uống trong 5 ngày, có tác dụng rất tốt trong phòng và trị bệnh cầu trùng bò.

– Dùng thuốc trợ sức và chống chảy máu: vitamin B1, vitamin C, vitanmin K, cafein, long não nước. Truyền huyết thanh mặn, ngọt 1000ml/100kg thể trọng/ngày, trong trường hợp mất nhiều mước

– Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn đường tiêu hoá như oxytetracyclin (30-50mg/kg thể trọng) hoặc chloramphenicol (30-50mg/kg thể trọng) trong 5-6 ngày liền

– Chữa chứng viêm ruột bằng cách dùng các loại thuốc làm xe niêm mạc, sát trùng đường ruột, thụt rửa, kết hợp hộ lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt

  • Phòng bệnh :

– Không chăn thả bò ở những nơi bị nhiễm trùng, cho uống nước sạch. Tháo khô nước các bãi chăn bị ngập nước, trừ rêu, rắc vôi hay sunphat (300-500kg sunphát sắt cho một ha). Cách ly những con vật ốm, tiêu độc phân, ổ lót, cũi nuôi bê bằng axit sunphuric pha loãng 3%. Hàng ngày dọn phân và ổ lót, vệ sinh, tẩy uế nền chuồng bằng nước vôi crezin mỗi tuần hai lần trong hai tuần lễ. Vô trùng, tiêu độc các dụng cụ đựng sữa và cho bê ăn. Đối với bê bú mẹ trực tiếp thì phải rửa sạch vú bò mẹ, hạn chế bê la liếm bằng cách dùng dọ mõm

– Các khu vực có lưu hành bệnh cầu trùng cần định kỳ hàng tháng sử dụng thuốc phòng nhiễm, hoặc sử dụng phòng nhiễm khi trong đàn có một số bê bị bệnh với một trong các hoá dược sau :

Sulfamerazin: 0,05g/kg thể trọng, dùng trong 3-4 ngày liền

Furazolidon: 0,05g/kg thể trọng, dùng trong 2-3 ngày liền

– Nuôi dưỡng tốt đàn bê để nâng cao sức đề kháng với bệnh

Post Comment